Khi mùa hè bắt đầu là chiếc group nhỏ Tình nguyên viên nông nghiệp xanh lại rộn ràng đến lạ. Khá đông các bạn trẻ, đặc biệt là những cô cậu sinh viên, muốn tranh thủ những ngày hè rảnh rỗi để tham gia những chuyến du lịch tình nguyện.
Háo hức là thế, nhưng khi chuẩn bị xách ba lô đi đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, ắt hẳn ai cũng sẽ không tránh khỏi tâm trạng bối rối và lo lắng, nhất là những bạn mới đi lần đầu.
Bài viết này sẽ cập nhật những điều mà chưa ai nói cho bạn biết về hình thức du lịch tình nguyện viên. Hi vọng rằng thông qua đúc kết những kinh nghiệm thực tế của mình, bạn sẽ hạn chế tối đa việc gặp phải những trải nghiệm không tốt.
Còn nếu bạn chưa từng nghe qua về “du lịch tình nguyện”, bạn cũng nên đọc. Biết đâu sau đó bạn lại lên lịch và enjoy chuyến đi ngay và luôn.
Mục lục
- 1. Du lịch tình nguyện viên nông nghiệp là gì?
- 2. Du lịch tình nguyện viên thích hợp với ai?
- 3. Những giá trị nhận lại khi tham gia du lịch tình nguyện
- 4. Tham gia tình nguyện viên bằng cách nào
- 5. Hành trang cần chuẩn bị trước khi du lịch tình nguyện cần trang bị những gì
- 6. Những điều cần làm trước chuyến đi
- 7. Những khó khăn có thể bạn sẽ gặp trong quá trình tham gia tình nguyện
1. Du lịch tình nguyện viên nông nghiệp là gì?
Du lịch tình nguyện là những chuyến đi kết hợp du lịch, khám phá với các hoạt động đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho thiên nhiên hoặc cho một tổ chức nào đó.
Tuy nhiên, đừng vội hiểu nhầm giữa tình nguyện và hoạt động thiện nguyện (tự nguyện làm điều tốt giúp ích cho xã hội mà không cần đáp trả).
Tình nguyện viên nông nghiệp xanh theo khái niệm mình sắp đề cập dưới đây là sự hợp tác lao động giữa chủ farm/ farmstay/ homestay và tình nguyện viên theo khuynh hướng hai bên cùng có lợi.
Người tham gia chuyến hành trình vừa là một du khách trải nghiệm, vừa có thể hiểu là một nhân viên partime thời vụ. Họ tự nguyện đổi sức lao động để nhận được nơi tá túc, những bữa ăn và những giá trị về vật chất hoặc tinh thần khác trong suốt thời gian ở lại farmstay.
Trong khi đó, chủ farmstay hoặc homestay sẽ có một người giúp họ quán xuyến nhà cửa, chăm sóc vườn tược.

Công việc đó còn có thể là đón tiếp khách, dọn dẹp buồng phòng, hoặc các công việc khác (viết content, marketing, chụp ảnh, quay video…) như hai bên đã thỏa thuận ban đầu.

2. Du lịch tình nguyện viên thích hợp với ai?
Du lịch tình nguyện viên phù hợp với những bạn:
- Thích sống hòa mình với thiên nhiên hoặc khao khát được thử cảm giác một lần “bỏ phố về rừng”

- Thích trồng trọt, nghiện làm vườn, mong muốn được học hỏi về nông nghiệp.

- Thích du lịch trải nghiệm, du lịch “bụi”.
- Thích khám phá tìm hiểu về cuộc sống của người dân tại một vùng đất mới.
- Muốn du lịch xa, đi dài ngày với chi phí tiết kiệm nhất có thể.
- Đang cảm thấy stress vì công việc, vô định hướng và cần tìm 1 nơi để cân bằng, giải tỏa (tuy nhiên đừng lây lan năng lượng tiêu cực của mình cho những người đồng hành và coi farmstay chỉ là nơi để chữa lành bạn nhé).
Du lịch tình nguyện viên không phù hợp với những bạn:
- Chỉ thích chưng diện đẹp, đến những địa điểm du lịch nổi tiếng chụp hình sống ảo, check-in.
- Thích ở homestay đẹp, ăn ngon, không chịu được thiếu thốn cực khổ.
- Không thể tự chăm sóc bản thân mình (vì sẽ không có ai phục vụ bạn như ở khách sạn).
- Không có những kỹ năng sống cơ bản.
- Không thể hòa nhập với mọi người.
3. Những giá trị nhận lại khi tham gia du lịch tình nguyện
Thứ nhất khi du lịch với tư cách là tình nguyện viên, bạn sẽ trao đổi giá trị lao động của mình và được nhận về nơi ăn, chốn ở miễn phí. Nếu may mắn, bạn có thể được ở hẳn phòng một phòng trong homestay “xịn xò” đầy đủ tiện nghi như khách du lịch với giá 0đ. Dự tính trung bình tiền phòng và chi phí cho 3 bữa ăn cơ bản trong ngày tầm 200,000 đồng/ ngày, bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu chi phí rồi.

Thứ hai, thứ bạn nhận được là cơ hội trau dồi kỹ năng mềm mà cho dù mười năm đọc sách vở bạn cũng không có được. Chẳng hạn như, bạn phải tự mình giải quyết những sự cố suốt dọc đường đi, hay học cách tìm đường đến một nơi xa lạ chỉ dựa vào Google Map hoặc hỏi dân địa phương.
Bạn sẽ nhận ra ngưỡng giới hạn của bản thân cao hơn, và sức chịu đựng giỏi hơn bạn nghĩ. Ở nhà, bạn là một cô gái chân yếu tay mềm không bê nổi bình nước 20 lít. Nhưng biết đâu trong chuyến đi tình nguyên, bạn lại có động lực hăng say làm những việc lao động tay chân, chinh phục được những con dốc núi cao, vui vẻ trong điều kiện sống chỉ ở mức tồn tại cơ bản.
Bạn sẽ được chia sẻ kiến thức nông nghiệp, sống như một nông dân, và trải nghiệm một cảm giác rất – Lý – Tử – Thất. Nghĩa là bạn tận tay chăm sóc vườn, tham gia vào quá trình thu hoạch hoa quả và hái rau vào chế biến thức ăn.

Bạn có cơ hội khám phá được những điều tuyệt vời mà trong những tour du lịch không tìm thấy được. Chẳng hạn như bạn được thưởng thức những món ăn của người dân địa phương, dẫn đi những nơi chỉ có người địa phương mới biết được. Hoặc bạn sẽ có những trải nghiệm leo núi, săn mây, đón bình minh trên núi, hoàng hôn trên biển… có khi chỉ cách farmstay mình vài bước chân.

Bạn sẽ được sống một cuộc sống “healthy và balance” suốt thời gian tham gia tình nguyện. Bạn được tận hưởng một không gian yên tĩnh và thanh bình, ăn uống thanh đạm. Mỗi sáng, bạn dậy sớm đón bình minh, pha một cốc cà phê chill chill ngắm hoa trước giờ làm việc. Tối bạn dễ vào ngủ giấc sâu sau một ngày lao động chăm chỉ.

Thêm vào đó, bạn sẽ quen được nhiều người bạn mới trong suốt cuộc hành trình. Biết đâu một số trong những người bạn đó hợp gu và trở thành bạn thân.

Chuyến hành trình sẽ là nơi lưu giữ những kỷ niệm khó quên bên những người mới: cùng nhau làm vườn, lao động, nấu ăn và vi vu khắp các nẻo đường.

Cuối cùng, đối bạn đang có ý nghĩ ngao ngán, chán chường cuộc sống hiện tại, thông qua chuyến đi sẽ có cơ hội sống chậm lại, đối diện và nhìn nhận lại bản thân.
4. Tham gia tình nguyện viên bằng cách nào
Cách đơn giản là bạn có thể tham gia vào group Tình nguyên viên nông nghiệp xanh
Bạn tìm một farmstay/ homestay thích hợp với mình về điều kiện sức khỏe, tính cách và khoảng cách địa lý. Chẳng hạn như:
- Nếu bạn sức khỏe chỉ ở mức trung bình, đừng chọn những farm quá rộng lớn hoặc có địa hình hiểm trở.
- Nếu bạn cần không gian yên tĩnh để chữa lành, đừng chọn các nơi đang hoạt động kinh doanh và phải tiếp đón đông du khách.
- Nếu bạn hướng ngoại, năng động, ưa mạo hiểm, khám phá, đừng chọn những nơi thiên về nghĩ dưỡng.
Hãy chọn nơi thật sự phù hợp, đừng chọn nơi chỉ vì một chiếc view đẹp hay chỉ vì quá cần nơi tạm trú để khám phá một vùng đất nào đó, bạn sẽ có thể hối hận vì quyết định của mình đấy.
Sau khi xác nhận xong thời gian và địa điểm, bạn hãy liên lạc với chủ farm, bày tỏ mong muốn gia nhập làm tình nguyện viên. Bạn nên giới thiệu đôi nét về bản thân, nêu rõ kinh nghiệm như đang ứng tuyển vào một vị trí. Việc còn lại chờ đợi phản hồi của chủ farm thôi nhé.
Mình thấy chủ farm đa số bận rộn, nên bạn cũng đừng quá phiền lòng khi họ không check tin nhắn chờ, hoặc chỉ phản hồi những bạn phù hợp. Nếu thời gian của bạn gấp quá hoặc cảm thấy quá thích nơi đó, hãy chủ động tìm cách liên hệ nhé.
5. Hành trang cần chuẩn bị trước khi du lịch tình nguyện cần trang bị những gì
- Tiền. Đi xa kiểu gì cũng cần tiền để phòng thân. Dù đa số các farmstay sẽ cung cấp nơi ăn chốn ở miễn phí, nhưng những chi phí khác như tiền đi lại, sinh hoạt lặt vặt, phát sinh ngoài dự kiến sẽ tốn kém nhiều hơn bạn nghĩ.
- Một chiếc điện thoại nạp đầy tiền, đủ 4G và có trang bị pin sạc dự phòng. Cẩn tắc vô ưu. Hãy tưởng tượng bạn bị lạc giữa đồi núi hẻo lánh và điện thoại không liên lạc được thì không biết chuyện gì sẽ xảy đến đâu.
- Trang phục chuẩn bị vừa đủ, không nên mang quá nhiều, cũng đừng mang ít quá. Quần áo có thể không đủ mặc vì phơi không kịp khô. Nếu công việc cần lao động chân tay, nhớ đem theo những bộ đồ cũ nhất nhưng thoải mái, luôn trên tinh thần đi về sẽ vất bỏ (vì không có cách nào tẩy sạch những quần áo đã dính đất). Và đừng quên 2 bộ đồ đẹp mặc đi chơi trong những ngày cuối tuần nữa nhé.
- Dụng cụ làm vườn bạn chắc chắn sẽ cần: găng tay làm vườn, áo khoác hoặc găng tay chống nắng, nón rộng vành, kem chống nắng, dù (ô).
- Giày dép: Một đôi giày thật thoải mái màu tối, một đôi dép để đi loanh quanh trong farm, và một đôi giày khác nếu bạn có kế hoạch đi du ngoạn đó đây nhé (chắc bạn không muốn mang đôi giày dính bùn mặc đồ đẹp đi chơi đâu nhỉ).
- Những vật dụng cá nhân khác: mỹ phẩm, dầu gội, xà phòng, bàn chải, kem đánh răng, bột giặt, lăn khử mùi, khăn giấy, khăn ướt, thuốc men, dầu gió, kem chống côn trùng, máy sấy tóc, áo mưa cá nhân, khăn tắm, tai nghe, bông ngoáy tay, đồ cắt móng tay… Tất cả hóa mỹ phẩm, xà phòng bạn chỉ cần mang cỡ nhỏ nhé, nếu thiếu có thể đến tạp hóa gần đó mua thêm.
- Mấy món thiên về thói quen cá nhân của bạn. Như mình thì không thể không thủ sẵn cà phê nè.
- Xem trước review về tỉnh thành mà mình sắp đến.
- Đặt vé xe, tàu. Lúc trước mình đặt xe khách trên vexere.com thấy cũng ổn, hoặc bạn có thể đặt trực tiếp với nhà xe. Nên đặt sớm để có chỗ ngồi đầu xe, khi đi đường dài sẽ đỡ mệt hơn. Theo trải nghiệm của mình thì thấy ghế đầu xe dù là tầng trên hay tầng dưới không khác biệt gì cho lắm, nhưng nằm ở ghế cuối xe thì thật sự khó chịu lắm đấy.
6. Những điều cần làm trước chuyến đi
- Tham khảo review người đi trước về farm mình sắp ở là điều cần thiết phải làm. Mà thật ra để biết ai là tình nguyện viên đi trước cũng hơi khó, vì không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ công khai sau chuyến đi. Nếu bí quá bạn có thể tìm những bình luận xin đăng ký đi trước đó và vào trang cá nhân lướt lướt xem họ có đến đó hay không mà hỏi xin review nhé.
- Nếu farmstay đã đi vào hoạt động, có fanpage hoặc website rõ ràng thì quá tốt. Tuy nhiên, nếu farm đó đang trong giai đoạn mới thành lập, chưa có khách lưu trú thì bạn nên tìm hiểu thật kỹ.
- Hỏi kỹ chủ farm hoặc bạn tình nguyện viên đi trước về điều kiện sinh hoạt: có gần chợ búa hay khu dân cư không, có hỗ trợ phương tiện đi lại không, thời tiết khí hậu thế nào, nguồn nước sinh hoạt (có nơi không có nước phải sử dụng nước mưa) và có bao nhiêu bạn tình nguyện viên đang ở đó. Thật sự tình nguyện viên tụi mình chỉ mong có nơi ăn chốn ở tử tế là được, nhưng vẫn rất cần được biết trước điều kiện cơ sở vật chất để có sự chuẩn bị tốt hơn.
- Hỏi địa chỉ và vị trí Google Map cụ thể của farm, cũng như ghi lại số xe khách, đưa lại thông tin đó cho người nhà để đề phòng bất trắc.
7. Những khó khăn có thể bạn sẽ gặp trong quá trình tham gia tình nguyện
- Thích nghi với một tập thể mới: sống hòa hợp trong tập thể lạ đã khó, đằng này có thể bạn sẽ gặp gỡ những người bạn mới đến từ khắp nơi trên đất nước với những phong tục tập quán, ngôn ngữ vùng miền và độ tuổi khác nhau.
- Ăn uống: Khẩu vị ở mỗi địa phương sẽ khác nhau. Nếu bạn ăn theo chế độ đặc biệt hoặc quá “kén cá chọn canh” thì nên cân nhắc báo với chủ farm tự mình chuẩn bị bữa ăn riêng ngay từ ban đầu để tránh gây ra mất lòng.
- Đường xá: lạc đường vì tin theo “chị Google”, đường lầy lội trơn trượt, té xe, xe hư dọc đường là những điều xảy ra như cơm bữa.
- Công việc có thể nặng nhọc, hoặc địa hình khó khăn hơn bạn nghĩ.
- Vấn đề khác: thời tiết, muỗi, côn trùng, nguồn nước sinh hoạt…
- Tệ hơn hết, bạn có thể gặp phải những farmstay có lời quảng bá rất hấp dẫn, nhưng khi đến thực tế thì không hề giống như mong đợi. Để tránh “vỡ mộng”, bạn nên tham khảo review thực tế của những người đi trước để chọn lọc ra nơi uy tín trước khi bắt đầu chuyến hành trình.
Nếu muốn biết thêm về chuyến đi của mình, mời bạn đón xem bài viết Hành trình một tháng làm tình nguyện viên ở Gia Lai – Chuyện bây giờ mới kể!